Natri – Những điều cần biết về Natri trong rối loạn nội tiết và chuyển hoá

Natri là một trong những loại khoáng chất thiết yếu, đóng góp nhiều trong sự phát triển và hoạt động của cơ thể. Thiếu vắng Natri, các chức năng của cơ thể sẽ bị suy giảm nghiêm trọng. Hiện nay, số liệu bệnh nhân đang gặp các vấn đề về Natri không ngừng tăng lên. Vì thế, có rất nhiều người quan tâm đến thông tin về Natri cũng như một số triệu chứng gây rối loạn và chuyển hoá liên quan đến loại khoáng chất này. 

Mời bạn cùng đọc bài viết hôm nay để biết thêm nhiều kiến thức mới về Natri nhé!

Những lợi ích tuyệt vời của Natri đối với cơ thể 

Trong một số loại thực phẩm chức năng hay thuốc điều trị, mọi người thường thấy có thành phần Sodium nhưng không biết sodium là gì? Trong tiếng Anh, Sodium là Natri – Đây là chất điện giải giúp cơ thể duy trì chất lỏng và lượng máu để các cơ quan được hoạt động bình thường. 

Trong cơ thể, Natri tồn tại dưới dạng các ion và nó có nhiều trong muối ăn nên trường hợp thiếu Natri xảy ra ít hơn so với việc nạp quá nhiều Natri. Việc tiêu thụ quá ít hay quá nhiều natri có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn. Cho đến hiện tại, vẫn có nhiều người lầm tưởng rằng Natri là muối ăn, nhưng trên thực tế muối ăn là hợp chất NaCl. 

Natri trong cơ thể có nhiệm vụ cân bằng môi trường nội môi và acid base. Đồng thời, loại chất khoáng này còn đóng vai trò giữ mức thể tích huyết tương ổn định vì nó có khả năng kéo nước vào lòng mạch. Bên cạnh đó, các xung động thần kinh cũng cần sự góp mặt của các ion Natri để hoạt động bình thường. 

Dưới đây là những lợi ích mà Natri mang lại cho sức khoẻ của con người:

  • Điều hòa huyết áp.
  • Hỗ trợ cơ bắp hoạt động.
  • Đảm nhiệm trách nhiệm trong các dẫn truyền xung động thần kinh.
  • Duy trì hoạt động tim mạch.
  • Hỗ trợ điều hòa nồng độ Glucose có trong máu.

Hạ natri máu gây ra hậu quả gì?

Hạ natri máu là tình trạng nồng độ natri có trong máu thấp hơn ngưỡng bình thường. Nồng độ natri trong máu ổn định sẽ dao động trong khoảng từ 135 đến 145 mEq/L. Hạ natri máu sẽ xảy ra nếu lượng natri trong máu giảm xuống dưới 135 mEq/L.

Natri đóng nhiều vai trò quan trọng trong cơ thể, đặc biệt với vai trò là chất điện giải giúp điều chỉnh lượng nước trong và ngoài tế bào. Vì thế, khi hạ natri máu khiến lượng natri trong cơ thể bị loãng và nước trong cơ thể bắt đầu tăng lên khiến các tế bào phình ra. Tình trạng này kéo dài có thể gây ra nhiều hậu quả khác nhau, nguy hiểm nhất là tử vong.

Giảm natri máu chủ yếu sẽ được phân thành 2 loại:

  • Hạ natri máu giả (Do tăng nồng độ protein máu và lipid máu).
  • Hạ natri máu đẳng trương hay ưu trương (Hạ natri huyết với nồng độ thẩm thấu bình thường).

Nguyên nhân

Tình trạng hạ natri máu có thể là hậu quả của 2 yếu tố bệnh lý và đời sống, cụ thể:

  • Sử dụng thường xuyên một số loại thuốc như: Thuốc lợi tiểu, thuốc giảm đau, thuốc chống trầm cảm,… Các loại thuốc này có thể can thiệp nhiều vào quá trình sản xuất nội tiết tố và quá trình lọc máu của thận để giữ nồng độ natri luôn trong mức bình thường.
  • Người có tiền sử về bệnh tim, thận và gan, đặc biệt là suy tim suy huyết và một số bệnh ảnh hưởng đến thận, gan: Khiến chất lỏng tích tụ dày đặc trong cơ thể làm loãng natri máu.
  • Do hội chứng tăng tiết hormon chống bài niệu ADH không thích hợp.
  • Do cơ thể bị mất nước: : Nôn mãn tính, nôn nặng hoặc tiêu chảy, các nguyên nhân này khiến cơ thể mất chất điện giải và làm gia tăng nồng độ ADH.
  • Uống quá nhiều nước: Nước có thể gây ra natri thấp bằng cách tăng khả năng bài tiết nước của thận. Bên cạnh đó, cơ thể có thể bị mất lượng natri qua mồ hôi hay uống nhiều nước khi hoạt động nặng, thể thao cũng là nguyên nguyên làm loãng natri trong máu.
  • Thay đổi nội tiết tố: Suy tuyến thượng thận ảnh hưởng đến khả năng sản xuất hormone tuyến giáp, từ đó nó làm lượng natri trong máu xuống mức thấp.
  • Sử dụng Amphetamine hoặc thuốc lắc.

Triệu chứng

Các dấu hiệu và triệu chứng cảnh báo khi cơ thể thiếu natri:

  • Buồn nôn và nôn
  • Đau đầu
  • Lú lẫn
  • Mệt mỏi
  • Buồn ngủ
  • Bồn chồn, cáu kỉnh
  • Yếu cơ, co thắt
  • Chuột rút
  • Co giật
  • Hôn mê.

Nếu bạn đang có các triệu chứng nghiêm trọng như co giật, buồn nôn hoặc mất ý thức cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế ngay lập tức để bác sĩ chẩn đoán bệnh và điều trị kịp thời.

Chẩn đoán

Tại phòng khám, bác sĩ sẽ chẩn đoán hạ natri máu dựa trên:

  • Tiền sử bệnh lý của bệnh nhân.
  • Khám sức khoẻ tổng thể.
  • Thực hiện xét nghiệm máu.
  • Xét nghiệm nước tiểu.

Tuy nhiên, các triệu chứng của hạ natri máu mà chúng ta thấy thường có nhiều trong bệnh lý khác. Bệnh nhân cần phải khám chuyên sâu và thực hiện nhiều xét nghiệm theo chỉ dẫn của bác sĩ để có được kết quả chính xác nhất.

Tham khảo phác đồ điều trị hạ natri máu Bộ y tế 

Quá trình điều trị hạ natri máu phụ thuộc nhiều vào nguyên nhân và tình trạng sức khoẻ của mỗi người:

+ Nếu bệnh nhân bị hạ natri máu ở mức độ vừa (do chế độ ăn uống, thuốc lợi tiểu hoặc uống quá nhiều nước): Khuyến cáo tạm thời giảm sử dụng chất lỏng và điều chỉnh lượng thuốc đang sử dụng cho phù hợp để ổn định lại nồng độ natri trong máu bình thường.

+ Nếu bệnh nhân bị hạ natri máu nặng và cấp tính: Người bệnh cần phải đến bệnh viện để điều trị cấp cứu hạ natri máu tích cực bằng cách:

  • Truyền dịch tĩnh mạch.
  • Sử dụng thuốc bổ sung natri.

Đối với hạ natri máu trong xơ ganhạ natri máu suy tim: Đây là các biến chứng nguy hiểm thường xuất hiện trong giai đoạn muộn của bệnh và chiếm tỷ lệ cao ở các bệnh nhân hiện nay. Với 2 tình trạng này, bệnh nhân bắt buộc phải sử dụng thuốc đặc trị riêng theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

Tăng natri máu có nguy hiểm không?

Tăng natri máu là một rối loạn điện giải khá phổ biến với nồng độ natri huyết thanh cao (>145 mmol/L) trên ngưỡng giới hạn bình thường (từ 135 – 145 mmol/L). Tuy nhiên, tình trạng tăng natri máu không chỉ là vấn đề cân bằng nội môi của natri mà còn liên quan đến việc giảm tổng lượng nước trong cơ thể.

Tăng natri máu chủ yếu xảy ra ở trẻ sơ sinh, người cao tuổi, suy yếu hay bị nhiễm trùng cấp tính nặng và nghiêm trọng nhất thường xảy ra ở mức > 160 mmol/L. Tăng natri máu sẽ rất nguy hiểm nếu không được phát hiện và kịp thời.

Triệu chứng 

Các triệu chứng ban đầu của tăng natri huyết thanh có thể là:

  • Khát nước
  • Người yếu đi
  • Buồn nôn
  • Chán ăn
  • Co giật cơ
  • Rối loạn tri giác
  • Hôn mê
  • Chảy máu trong hoặc chảy máu xung quanh não.

Khi giá trị natri trong máu tăng trên 180 mmol/L là dấu hiệu cảnh báo tình trạng bệnh đang diễn tiến nặng dần. Tuy nhiên, nồng độ natri cao như vậy rất hiếm khi xảy ra đơn độc mà không có các bệnh lý nặng nề khác đi kèm. Trên thực tế lâm sàng, bác sĩ thường phân loại bệnh nhân theo:

Tình trạng tăng natri máu giảm thể tích

  • Do mất nước: đổ mồ hôi, nôn mửa, tiêu chảy.
  • Dùng thuốc lợi tiểu.
  • Bệnh thận.

Tình trạng tăng natri máu với thể tích bình thường

  • Do bệnh đái tháo nhạt.
  • Do sản xuất không đủ hormone vasopressin từ tuyến yên.
  • Do suy giảm khả năng đáp ứng của thận với vasopressin.
  • Sốt.
  • Luôn luôn trong trạng thái khát nước.
  • Sử dụng lithium.

Tình trạng tăng natri máu kèm tăng thể tích

  • Do cường aldosteron.
  • Dùng quá liều dung dịch muối ưu trương 3% hoặc natri bicarbonate.
  • Do ăn quá nhiều muối.

Chẩn đoán 

Tương tự như tình trạng hạ natri máu, tăng natri cũng được chẩn đoán dựa vào thực hiện xét nghiệm máu. Căn cứ vào nồng độ mol, bác sĩ có thể biết được tình trạng bệnh của bệnh nhân đang ở mức độ nào, nặng hay nhẹ để tư vấn điều trị phù hợp. Hầu như các triệu chứng tăng natri máu chỉ có giá trị gợi ý không phải đặc hiệu nên người bệnh cần làm xét nghiệm để biết chi tiết hơn về tình trạng bệnh của mình. 

Khi có kết quả xét nghiệm, chẩn đoán sẽ được đưa ra. Bên cạnh đó, nguyên nhân cũng cần được xác định rõ nhằm định hướng cho việc điều trị tăng natri máu hiệu quả. Theo đó, quá trình điều trị sẽ dựa trên tình trạng thể tích dịch ngoại bào là thiếu, đủ hay dư thừa.

Điều trị 

Trong trường hợp tăng natri máu do thiếu nước

Nền tảng của điều trị là bù dịch tích cực, quản lý cân bằng nước để khắc phục tình trạng thiếu nước quá mức. Nước có thể được bù bằng đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch vào cơ thể. Tuy nhiên, việc truyền một lượng lớn nước cho vào tĩnh mạch trong một thời gian ngắn rất nguy hiểm vì sự giảm áp suất thẩm thấu máu sẽ dẫn đến vỡ hồng cầu. 

Bệnh nhân cần phải kết hợp dung dịch với dextrose hoặc sử dụng cả dung dịch nước muối sinh lý. Việc điều chỉnh quá nhanh tình trạng tăng natri máu cũng ảnh hưởng rất nhiều, đặc biệt dễ gây ra phù não, dẫn đến co giật, tổn thương não hoặc tử vong.

Trong trường hợp tăng natri máu do bệnh đái tháo nhạt/do rối loạn chức năng nội tiết của não

Nếu bị tăng natri máu do 2 nguyên nhân kể trên thì bệnh nhân có thể được điều trị bằng cách bổ sung desmopressin. Nếu bệnh đái tháo nhạt là do các vấn đề về thận, bệnh nhân cần chú ý điều chỉnh lại chức năng thận cũng như cân nhắc sử dụng các thuốc lợi tiểu làm tăng thải nước qua thận.

 

 

Áp lực thẩm thấu máu ở người hạ natri máu

Độ thẩm thấu máu là thuật ngữ được sử dụng để mô tả nồng độ thẩm thấu của một chất dịch, nó được dùng để đo số lượng các phần tử có hoạt tính thẩm thấu trong huyết tương. Dựa vào xét nghiệm này để bác sĩ có thể đánh giá tình trạng mất cân bằng về nước và điện giải của bệnh nhân và đưa ra lời khuyên phù hợp cho từng đối tượng.

Mục đích

  • Căn cứ vào tình trạng dịch của bệnh nhân để từ đó có định hướng bổ sung và điều trị phù hợp.
  • Đánh giá tình trạng cô đặc của nước tiểu bệnh nhân và đánh giá tình trạng bài xuất hormon chống bài niệu (ADH).
  • Chẩn đoán nguyên nhân hạ natri máu và một số bệnh lý có liên quan đến rối loạn độ thẩm thấu máu như co giật, ngộ độc methanol,…

Công thức tính áp suất thẩm thấu của máu người là gì?

Tính thẩm thấu máu (Áp lực thẩm thấu máu) là nồng độ của một dịch có tính thẩm thấu được đo bằng đơn vị osmol hay milliosmol đối với 1000ml dịch.

Công thức

Áp lực thẩm thấu ước tính = Nồng độ natri máu x 2 + Nồng độ ure máu + Nồng độ glucose máu

(Đơn vị đo nồng độ: mmol/L)

 

Rối loạn nước điện giải do mất cân bằng natri trong cơ thể

Rối loạn điện giải là tình trạng mất cân bằng giữa các chất khoáng trong cơ thể con người. Các chất điện giải như natri, kali, canxi,… là những thành phần quan trọng có mặt hầu hết trong máu, trong dịch thể hay nước tiểu. Thông thường, để cơ thể hoạt động ổn định, các chất khoáng cần phải được cân bằng và duy trì ở nồng độ nhất định nếu không sẽ dẫn đến các rối loạn nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khoẻ.

Trong các rối loạn điện giải,  nguy hiểm nhất thường liên quan đến những bất thường ở nồng độ của clo, natri, magie, kali,… Nguyên nhân mất cân bằng nước và điện giải thường do:

  • Tiêu chảy
  • Nôn mửa 
  • Bệnh thận
  • Tuyến giáp
  • Hô hấp
  • Tim mạch.

Quá trình chẩn đoán và điều trị rối loạn điện giải cần chú ý các yếu tố sau:

  • Rối loạn điện giải đang có xu hướng tăng hay giảm.
  • Tình trạng huyết động học,mất nước, tri giác như thế nào?
  • Tiền sử bệnh lý hiện tại, dịch nhập, dịch xuất.
  • Dựa vào kết quả điện giải đồ phù hợp lâm sàng.

Cách điều trị và chăm sóc bệnh nhân rối loạn nước và điện giải

Căn cứ vào mức độ nghiêm trọng cũng như loại rối loạn điện giải mà bác sĩ có thể chỉ định áp dụng các biện pháp phù hợp để khắc phục tình trạng này. Để lập lại cân bằng điện giải cho cơ thể sẽ có các phương pháp sau:

  • Truyền dịch tĩnh mạch.
  • Thực phẩm bổ sung.
  • Chạy thận nhân tạo.
  • Dùng thuốc uống..

Ngoài các phương pháp điều trị kể trên, bệnh nhân cũng nên xây dựng cho mình chế độ ăn uống cho khoa học và hợp lý, tăng cường bổ sung đầy đủ các khoáng chất mà cơ thể đang thiếu hụt. Khi tình trạng rối loạn điện giải đã được xử lý, bác sĩ sẽ tiếp tục điều trị dựa vào nguyên nhân gây ra để phòng tránh nguy cơ mất cân bằng điện giải về sau.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *