Hội chứng ống cổ tay là gì? Viêm ống cổ tay có nguy hiểm không?

Hội chứng ống cổ tay là bệnh lý phổ biến trong nhịp sống hiện đại ngày nay. Nhiều triệu chứng khó chịu ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống và chất lượng làm việc của người bệnh. Tình trạng sẽ trở nên trầm trọng hơn nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời.

Vì vậy, bài viết dưới đây Hormonetuyengiap.com sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về hội chứng ống cổ tay với những thông tin tổng hợp từ nhiều tài liệu chuyên khoa.

Định nghĩa hội chứng ống cổ tay là gì?

Hội chứng ống cổ tay

Hội chứng ống cổ tay bệnh học hay còn được gọi là viêm ống cổ tay (hay hội chứng đường hầm cổ tay), hội chứng có tên tiếng Anh là Carpal Tunnel Syndrome. Tình trạng bệnh lý chèn ép dây thần kinh ngoại biên phổ biến nhất với tỷ lệ người bệnh mắc phải rất cao.

Hội chứng ống cổ tay diễn ra khi dây thần kinh giữa bị chèn ép tại vị trí đi ngang qua ống cổ tay. Hiện tượng này dẫn đến tình trạng viêm, tê, đau, giảm hay mất cảm giác tại vùng da bàn tay dưới sự điều khiển của dây thần kinh giữa gây ra nhiều khó chịu cho người bệnh.

Thành phần trong ống cổ tay bao gồm những gì?

Những thành phần chính có trong ống cổ tay bao gồm gân gấp các ngón tay và dây thần kinh giữa. Phần nền của ống cổ tay được tạo thành từ các xương cổ tay, dây chằng ngang cổ tay là phần mái của ống cổ tay.

Bất kỳ thành phần nào trong ống cổ tay bị tổn thương hay sưng viêm đều gây tăng áp lực đáng kể vì toàn bộ cấu trúc của ống vô cùng vững chắc. Khi đó, thành phần dễ tổn thương nhất chính là dây thần kinh giữa. Vì cấu trúc chúng mềm nhất lại nằm tại vị trí nông nhát.

Hậu quả là người bệnh có triệu chứng ngứa ran, tê bì, đau chói cũng như yếu các cơ bàn tay. Nếu bệnh tình diễn biến trong thời gian dài mà không được điều trị thì nguy cơ mất chức năng vĩnh viễn một bàn tay là rất lớn.

     >>> Xem thêm: Chỉ số T- Score: Phương pháp chẩn đoán bệnh loãng xương 

Nguyên nhân xuất hiện hội chứng ống cổ tay ở người bệnh

Theo như các chuyên gia, hội chứng ống cổ tay xảy ra với nguyên nhân là sự kết hợp của nhiều yếu tố khác nhau. Thống kê cho thấy, người già và nữ giới là những đối tượng có tỷ lệ cao mắc phải hội chứng ống cổ tay.

Hội chứng ống cổ tay bệnh học

Những nguyên nhân chính gây nên hội chứng ống cổ tay được tổng hợp như dưới đây:

  • Yếu tố di truyền, nguyên nhân này có thể là yếu tố có tỷ lệ cao gây ra hội chứng. Ở một số chủng tộc, đường hầm ống cổ tay của họ có kích thước nhỏ hơn bình thường. Ngoài ra, sự khác biệt về mặt giải phẫu làm thu hẹp không gian làm dây thần kinh giữa bị chèn ép nhiều hơn.
  • Giới tính, nữ giới là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nam giới gấp 3 lần vì lý do họ có đường hầm ống cổ tay nhỏ hơn rất nhiều so với nam giới.
  • Vận động tay lặp lại nhiều lần, việc lặp đi lặp lại một chuyển động của cổ tay và bàn tay trong khoảng thời gian dài có khả năng gây tổn thương cho các gân tại cổ tay. Từ đó, gây ra tình trạng sưng viêm và gia tăng áp lực lên dây thần kinh.
  • Vị trí cổ tay và tay, thực hiện các hành động yêu cầu phải gập duỗi hoặc uốn cong quá mức ở cổ tay và bàn tay trong thời gian dài khiến áp lực lên dây thần kinh tăng lên.
  • Thời kỳ mang thai, nội tiết tố thay đổi trong thai kỳ khả năng cao gây ra sưng viêm các thành phần có trong ống cổ tay.
  • Bệnh lý kèm theo, các bệnh lý liên quan đến hội chứng ống cổ tay như tiểu đường, suy thận, viêm khớp dạng thấp, béo phì và rối loạn chức năng tuyến giáp.
  • Gặp tổn thương cổ tay, người bệnh bị tổn thương cổ tay bởi tình trạng viêm dây chằng, viêm khớp, viêm đơn (hay đa) dây thần kinh. Ngoài ra, tình trạng chấn thương cổ tay ví dụ trật khớp, gãy xương hay gãy cổ tay. Những tình trạng trên khiến không gian trong ống cổ tay bị thay đổi, đồng thời gây áp lực lên dây thần kinh giữa.

     >>> Xem thêm: Rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi – Cơn ác mộng của nhiều gia đình

Hội chứng ống cổ tay điều trị như thế nào hiệu quả?

Người bệnh có thể yên tâm vì hội chứng ống cổ tay có khả năng điều trị dứt điểm rất cao và rất ít khi tái phát. Sự phát triển của nền Y học hiện đại cung cấp nhiều phương pháp chữa trị hữu hiệu như:

Nẹp cổ tay hội chứng ống cổ tay

Người bệnh khi đeo nẹp sẽ giúp cổ tay giữ ở tư thế thẳng hay trung tính, hỗ trợ giảm áp lực lên dây thần kinh giữa ở ống cổ tay. Bệnh nhân nên đeo nẹp trong thời gian ngủ để vừa cải thiện các triệu chứng tê và đau tay của tình trạng, lại vừa giúp cổ tay không bị gập.

Uống thuốc chống viêm

Bác sĩ có thể chỉ định cho người bệnh sử dụng một vài loại thuốc hỗ trợ giảm đau ống cổ tay như Ibuprofen hay Paracetamol trong thời gian ngắn. Người bệnh nên chú ý tuân thủ đúng theo quy định của bác sĩ chuyên khoa.

Bệnh nhân không nên tự ý sử dụng hoặc tăng liều lượng khi chưa có sự cho phép của bác sĩ. Việc tùy tiện thay đổi liều lượng và điều trị bằng thuốc không đúng như kê đơn rất dễ gây ra các tác dụng phụ nguy hiểm đến sức khỏe cũng như tính mạng.

Thực hiện phẫu thuật

viêm ống cổ tay

Khi tình trạng của hội chứng ống cổ tay trở nên quá trầm trọng, người bệnh cần được áp dụng phương pháp phẫu thuật. Bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật nếu người bệnh không có dấu hiệu thuyên giảm sau khi dùng thuốc hay các phương pháp khác trong thời gian dài.

Ngoài ra, khi có dấu hiệu teo cơ ở người bệnh cũng là thời điểm người bệnh nên thực hiện phẫu thuật. Bác sĩ thực hiện giải phẫu sẽ cắt bỏ dây chằng ngang ống cổ tay với mục đích gia tăng kích thước không gian và giải phóng áp lực chèn ép lên các gân gấp và dây thần kinh.

Trước và trong quá trình phẫu thuật, người bệnh sẽ được gây tê cục bộ tại vị trí cổ tay hay toàn thân. Điều này làm cho cơ thể người bệnh có nguy cơ phản ứng lại thuốc với hiện tượng sốc phản vệ và dị ứng.

Biến chứng sau mổ hội chứng ống cổ tay cần chú ý

Phẫu thuật hội chứng ống cổ tay sẽ để lại biến chứng cho người bệnh, tuy nhiên những biến chứng có thể được xử lý và không để lại hậu quả nghiêm trọng. Một vài biến chứng có thể xảy ra sau mổ như:

  • Chảy máu tại vị trí mổ;
  • Nhiễm trùng;
  • Dây thần kinh giữa hoặc phân nhánh bị tổn thương;
  • Gân cơ, dây chằng, mạch máu hay các cấu trúc khác gặp phải chấn thương;
  • Huyết khối;
  • Hình thành mô sẹo gây mất thẩm mỹ.

     >>> Xem thêm: Suy giãn tĩnh mạch chân – Viêm tĩnh mạch chân có nguy hiểm không?

Vật lý trị liệu để phục hồi chức năng hội chứng ống cổ tay

Người bệnh sẽ được hướng dẫn thực hiện các bài tập vật lý trị liệu, siêu âm trị liệu, yoga và châm cứu,… để giảm đau một cách hiệu quả. Đồng thời, sức mạnh của các cơ lòng bàn tay được tăng cường nhiều hơn. Qua đó, khả năng vận động của người được hỗ trợ khôi phục tối đa.

Liệu trình vật lý trị liệu sẽ có sự khác nhau phụ thuộc vào tình trạng ống cổ tay cũng như sức khỏe ở từng người bệnh. Chính vì lý do đó, người bệnh nên thực hiện luyện tập đúng liệu trình vật lý trị liệu theo hướng dẫn của bác sĩ có chuyên môn.

Tiêm hội chứng ống cổ tay bằng Corticoid

Nhóm thuốc chống viêm mạnh mẽ như Steroid hay Corticoid (gồm Corticosteroid hoặc Cortisone) sẽ được bác sĩ tiêm vào ống cổ tay. Mục đích nhằm làm giảm hiện tượng viêm của các dây chằng gấp trong ống cổ tay.

Từ đó, các triệu chứng đau đớn sẽ thuyên giảm cũng như không bùng phát trở lại. Thế nhưng, phương pháp tiêm chỉ có tác dụng tạm thời và các triệu chứng có dấu hiệu khởi phát trở lại sau một thời gian tiêm thuốc.

Trị liệu bằng liệu pháp Chiropractic

gãy cổ tay

Nhiều kết quả nghiên cứu đã chứng minh phương pháp trị liệu thần kinh cột sống Chiropractic đem lại hiệu quả cao và tuyệt đối an toàn. Những cơn đau về cơ xương khớp đã suy giảm rất nhiều mà không cần dùng đến thuốc.

Hiệu quả đặc biệt đối với hội chứng ống cổ tay do viêm dây chằng, viêm khớp, chấn thương cổ tay hay viêm đơn hay đa dây thần kinh,…

Tổng hợp bài tập hội chứng ống cổ tay đơn giản với kết quả điều trị tối ưu

Những bài tập hội chứng ống cổ tay rất dễ thực hiện và có thể thực hành ngay tại nhà hoặc khi người bệnh có thời gian rảnh. Các bài tập này không cần sử dụng đến bất kỳ dụng cụ hỗ trợ nào nhưng giúp giảm bớt cảm giác tê, đau xảy ra và cánh tay trở nên linh hoạt hơn.

Người bệnh chỉ cần vài phút để thực hành các động tác trong bài tập và liên tục trong thời gian dài. Hội chứng ống cổ tay của bạn chắc chắn sẽ có dấu hiệu thuyên giảm nếu bạn kiên trì.

1. Bài tập tư thế cầu nguyện

Người bệnh bắt đầu vào tư thế chắp tay giống như người đang cầu nguyện. Tiếp đó, bạn tách các ngón tay ra xa nhất có thể một cách từ từ. Sau đó, tiếp tục “gác chuông” các ngón tay trở lại. Lúc này, bạn hãy tách hai lòng bàn tay ra nhưng vẫn giữ nguyên các ngón tay.

Tác dụng của bài tập giúp kéo căng cấu trúc ống cổ tay và gân gan bàn tay. Tình trạng chèn ép dây thần kinh giữa cũng từ đó giảm theo.

2. Lắc tay nhẹ nhàng

Người bệnh thực hiện động tác lắc tay giống như khi vừa rửa tay xong, bạn nên thực hiện động tác này nhiều lần trong ngày mỗi khi có cơ hội. Bài tập sẽ giúp giữ và tăng cường cho các cơ gấp tại bàn tay cũng như dây thần kinh giữa tránh bị chèn ép, chuột rút hay căng cứng.

3. Duỗi cổ tay kết hợp xòe ngón tay

Để thực hiện động tác này, đầu tiên người bệnh cần đặt cánh tay thẳng ra phía trước mặt và duỗi thẳng khuỷu tay. Tiếp theo, bạn mở rộng cổ tay sao cho các ngón tay hướng về phía sàn. Các ngón tay xòe ra từ từ, bạn dùng tay còn lại để xoa bóp nhẹ nhàng tại cổ tay trong khi bàn tay hướng xuống.

Người bệnh nên lưu ý để cổ tay và các ngón tay duỗi ở mức tối đa. Giữ tư thế này nhiều nhất trong 20 giây và lặp lại tư thế ở tay còn lại. Tốt nhất nên thực hiện từ 2 – 3 lần trên mỗi cánh tay và lặp lại mỗi giờ.

Những câu hỏi thường gặp xoay quanh hội chứng ống cổ tay

Thực hiện mổ hội chứng ống cổ tay bao nhiêu tiền?

Mức giá phẫu thuật hội chứng ống cổ tay tương đối cao, chi phí thông thường tầm 3 – 5 triệu đồng. Giá thành sẽ thay đổi phụ thuộc vào bệnh viện mà người bệnh lựa chọn, bệnh viện công và bệnh viện tư sẽ có tầm giá khác nhau.

Chi phí phẫu thuật có thể tăng lên ở những bệnh viện có độ uy tín lớn cùng với trang thiết bị hiện đại. Giá thành cho một ca phẫu thuật hội chứng ống cổ tay lên đến 10 triệu/ca là điều bình thường.

Người bệnh nên mua BHYT (Bảo hiểm Y tế) để giảm chi phí phẫu thuật, vì bảo hiểm sẽ chi trả đến 80% tổng chi phí. Tuy nhiên, các bệnh viện tuyến tư nhân chỉ hỗ trợ 50% chi phí nếu người bệnh có BHYT.

Bệnh nhân thực hiện phẫu thuật cũng nên lưu ý đến chi phí phát sinh trong thời gian phục hồi và theo dõi. Các khoản chi phí phát sinh có thể đến từ nhiều yếu tố như: thuốc men, giường bệnh,…

     >>> Đọc thêm: Nhiễm toan Ceton: Nguyên Nhân, Triệu Chứng Và Cách Điều Trị

Đứt dây thần kinh cổ tay ảnh hưởng như thế nào?

Đứt dây thần kinh cổ tay

Tình trạng đứt dây thần kinh cổ tay sẽ khiến các ngón tay không thể cử động được. Bàn tay của người bệnh sẽ bị yếu và không thể nắm hay giữ được vật. Cổ tay thường bị đau nhức khó chịu. Sự phục hồi sẽ phụ thuộc rất nhiều vào mức độ tổn thương của mạch máu và thần kinh của người bệnh.

Đau cổ tay khi ngã xe có gây ra hậu quả nghiêm trọng?

Trong trường hợp ngã xe, cổ tay sẽ bị một lực mạnh tác động khiến cho dây chằng bị tổn thương trầm trọng. Dây chằng có chức năng nối liền hai đầu xương lại, tình trạng tổn thương sẽ gây ra cảm giác khó chịu và đau nhói ở phần cổ tay. Người bệnh bị giãn dây chằng cổ tay nên đến thăm khám và điều trị tại các cơ sở y tế.

Hội chứng ống cổ tay sau sinh là gì?

Hội chứng ống cổ tay sau sinh thường không liên quan đến tình trạng thường xuyên gấp duỗi cổ tay quá mức. Nhưng hậu quả và các triệu chứng là như nhau trong cả hai trường hợp. Một số hội chứng ống cổ tay sau sinh sẽ tự mất đi trong một vài tuần hay vài tháng sau sinh mà không cần đến điều trị.

Tôi có nên mổ ống cổ tay?

Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần phải căn cứ vào tình trạng bệnh và hiệu quả trong việc điều trị. Người bệnh sẽ không cần phải mổ ống cổ tay nếu những phương pháp trị liệu khác đạt hiệu quả. Tuy nhiên, nếu những liệu pháp không đem lại hiệu quả trong thời gian dài thì người bệnh nên thực hiện phẫu thuật ống cổ tay để điều trị dứt điểm.

Người bệnh cần ăn kiêng gì sau phẫu thuật hội chứng ống cổ tay?

chế độ ăn viêm ống cổ tay

Tương tự với các tình trạng thuộc về xương khớp, người bệnh hồi chứng ống cổ tay cần kiêng các loại thực phẩm sau:

  • Những loại thịt đỏ;
  • Thực phẩm được chế biến sẵn;
  • Thực phẩm chứa nhiều Phospho.

Lời kết

Đến đây, có lẽ độc giả đã hiểu rõ về hội chứng ống cổ tay cũng như triệu chứng và cách điều trị. Những bài tập giúp cải thiện hội chứng này và các vấn đề liên quan cũng đã được giải đáp. Hi vọng rằng, với những thông tin trên, các bạn sẽ biết cách tự chăm sóc sức khỏe của mình cũng như phòng ngừa hội chứng ống cổ tay.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *