Bệnh Basedow hay còn được gọi dưới cái tên là bệnh bướu cổ parado hay bệnh Graves. Đây là một bệnh nội tiết thường gặp ở Việt Nam, chiếm tỷ lệ tương đối cao được ghi nhận ở các bệnh viện lớn.
Bệnh lý này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, trong đó nữ giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nam giới. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng cực kỳ nguy hiểm. Hiểu được điều đó, bài viết hôm nay, Hormonetuyengiap.com sẽ cung cấp những thông tin về khái niệm, nguyên nhân cũng như cách điều trị hiệu quả về bệnh học Basedow.
Khái niệm bệnh Basedow bệnh học là gì?
Bệnh lý Basedow còn có nhiều tên gọi khác nhau như bệnh bướu cổ có lồi mắt hay bệnh tăng năng giáp tự miễn. Tình trạng rối loạn hệ thống miễn dịch ở tuyến giáp dẫn đến sản xuất quá nhiều lượng hormone cần thiết.
Chính vì thế, bệnh lý Basedow được xếp vào bệnh cường chức năng tuyến giáp cùng với phì đại bướu lan tỏa. Đồng thời, bệnh Basedow là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra các tình trạng cường giáp.
Theo như dịch tễ học, người bệnh thường rơi vào khoảng từ 20 – 40 tuổi và rất hiếm khi xảy ra ở trẻ nhỏ và người già trên 50 tuổi. Những triệu chứng và dấu hiệu nhận biết bệnh Basedow hết sức đa dạng nhưng đều gây ảnh hưởng không tốt lên sức khỏe của người bệnh.
Các đặc điểm chính của bệnh Basedow khi gây ra tình trạng cường giáp đó là: nhiễm độc giáp, bướu cổ (bướu mạch), bệnh lồi mắt, bệnh liên quan đến da như phù niêm trước xương chày.
Nguyên nhân gây ra tình trạng bệnh Basedow
Nhiều nhà khoa học hiện nay vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác dẫn đến căn bệnh Basedow. Nguyên nhân thường thấy nhất đến từ các rối loạn ở hệ thống tự miễn chống lại nhu mô tuyến giáp (mô tự thân trong cơ thể).
Tuy nhiên, một số yếu tố dưới đây có thể tăng nguy cơ mắc bệnh Basedow và mọi lứa tuổi đều có nguy cơ mắc bệnh:
- Yếu tố di truyền, tình trạng rối loạn tuyến giáp được phát hiện ở những bệnh nhân thuộc gia đình có tiền sử mắc bệnh từ trước. Khả năng lớn là một gen hay nhiều gen di truyền từ thành viên lớn tuổi.
- Giới tính, nhiều thống kê cho thấy nữ giới có nguy cơ mắc bệnh lý Basedow cao hơn rất nhiều so với nam giới.
- Độ tuổi, bệnh có thể diễn ra ở nhiều lứa tuổi khác nhau, nhưng đa số được phát hiện ở lứa tuổi từ 20 – 40. Đặc biệt ở Việt Nam lứa tuổi rơi vào tầm 20 – 30 tuổi, chiếm tỷ lệ 31,8% trên tổng số ca mắc.
- Đã có tình trạng rối loạn tự miễn từ trước, hệ thống miễn dịch của người bệnh đã có các tình trạng rối loạn như tiểu đường tuýp 1 hay viêm khớp dạng thấp đều có nguy cơ mắc bệnh Basedow rất lớn.
- Thường xuyên căng thẳng mệt mỏi và stress, tinh thần suy kiệt vì liên tục phải đối mặt với căng thẳng và mệt mỏi trong đời sống hay công việc. Những người thuộc nhóm di truyền rất dễ khởi phát bệnh Basedow nếu kéo dài tình trạng này.
- Mang thai, nguy cơ rối loạn tự miễn cũng tăng cao khi nữ giới trong thời gian mang thai hay sau khi sinh nở.
- Hút thuốc, thuốc lá là một trong những tác nhân gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm và trong đó có thể tăng nguy cơ mắc bệnh Basedow và ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch của người bệnh.
- Nhiễm khuẩn, virus sẽ tác động vào hệ thống miễn dịch làm cho các tế bào Lympho T phóng thích ra Interferon – ã và làm kháng nguyên bộc lộ HLA – DR và – DQ trong tế bào giáp. Những tế bào trên có vai trò duy trì cũng như tăng đáp ứng tự miễn.
- Sử dụng thuốc có nhiều Iod, người bệnh bị bướu cổ địa phương là thường thấy (nhất là bướu giáp thể nhân). Tình trạng cường chức năng giáp được gọi là Iod Basedow thường thấy ở người bệnh điều trị kéo dài với các chế phẩm chứa Iod.
>>> Tham khảo ngay: Viêm Tuyến Giáp Mãn Tính – Phương Pháp Nhận Biết & Cách Điều Trị Hiệu Quả
Cơ chế bệnh sinh Basedow
Cơ chế bệnh sinh của Basedow tương đối phức tạp, nhiều vấn đề đến nay vẫn chưa được làm sáng tỏ hoàn toàn. Trên thế giới có rất nhiều giả thuyết khác nhau về cơ chế bệnh sinh của Basedow, nhưng phổ biến nhất là những giả thuyết dưới đây:
Trục điều hòa dưới đồi – tuyến yên – tuyến giáp rối loạn
Những nghiên cứu khoa học về ảnh hưởng của tâm sinh lý gây bệnh, bệnh thường xảy ra ở những giai đoạn chuyển biến trong cuộc sống như: thai nghén, dậy thì hay mãn kinh. Các kết quả nghiên cứu nhận thấy tại những thời điểm này hàm lượng TSH tăng cao với sự hoạt động mạnh của hệ dưới đồi – yên.
Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp bệnh Basedow diễn ra ngay cả khi bệnh nhân đã thực hiện phẫu thuật thùy trước tuyến yên hay có tình trạng suy thùy trước. Định lượng nồng độ TSH thông qua phương pháp siêu nhạy đều thấp ở nhiều trường hợp. Triệu chứng của bệnh Basedow không hề thuyên giảm sau khi đã điều trị bằng xạ trị tuyến yên hay phẫu thuật.
Cơ chế tự miễn của bệnh học Basedow
Vào năm 1956, hai nhà khoa học Adams và Purves đã phát hiện trong huyết thanh người mắc bệnh Basedow có một hoạt chất với hoạt tính kích thích tuyến giáp sản sinh hormone. Chất này không phải là TSH (tuyến yên) vì chúng hoạt động chậm hơn.
Đến năm 1960, thuật ngữ “chất kích thích tuyến giáp hoạt động kéo dài” viết tắt là “LATS” để gọi tên cho chất đó. Nhà khoa học Kriss cùng cộng sự của mình đã xác định được LATS là một loại Globulin miễn dịch nằm trong lớp IgG được tạo ra từ tế bào Lympho B trong năm 1964.
Manley và Mehdi đã phát hiện ra các phân tử IgG này có khả năng ức chế sự gắn TSH vào thụ thể tương ứng trên màng Plasma tế bào tuyến giáp 10 năm sau đó. Tùy vào kỹ thuật sử dụng sẽ có các tên gọi khác nhau như: TSI, TBII, TSAb và chúng được gọi chung là a. TSH. ReAb – một loại kháng thể kháng thụ thể đối với TSH.
Những kháng thể này khi được gắn với thụ thể TSH thì sẽ vừa bắt chước hoạt động kích thích tuyến giáp của TSH và vừa ức chế gắn TSH vào thụ thể. Một vài yếu tố được cho là có thể khởi động đáp ứng miễn dịch ở bệnh nhân Basedow như là:
- Mang thai và nhất là giai đoạn sau khi sinh;
- Tiêu thụ quá nhiều Iod, đặc biệt là ở những vùng thiếu Iod.
- Điều trị bằng Lithium, khả năng thuốc này làm biến đổi đáp ứng miễn dịch.
- Nhiễm virus hoặc vi khuẩn;
- Nhiều stress;
- Ngừng điều trị Corticoid.
Cơ chế bệnh sinh về mắt
Cơ chế này có thể liên quan đến các tế bào Lympho gây độc (T killer) cùng với các kháng thể gây độc cực kỳ nhạy với những kháng nguyên phổ biến như TSH-R nằm trong tế bào cơ ở hốc mắt, sợi và trong mô giáp.
Các thành phần Cytokine từ nhiều tế bào Lympho gây viêm cơ cũng như tế bào sợi trong hốc mắt. Thành phần Cytokine làm sưng phù các cơ trong hốc mắt gây lồi mắt, nhìn đôi đồng thời gây đỏ mắt, xung huyết, phù kết mạc và xung quanh hốc mắt.
Cơ chế bệnh sinh phù niêm
Hiện tượng phù niêm trước xương chày cũng như tổn thương màng xương ở đầu xương đặc biệt là ở vị trí đầu ngón tay, chân có khả năng lớn là do Cytokin của các tế bào Lympho kích thích các tế bào sợi ở các vị trí trên.
Các cơ chế khác
Đa số những triệu chứng của tình trạng nhiễm độc giáp được cho là bắt nguồn từ việc hàm lượng Catecholamin trong máu tăng cao. Một số biểu hiện chính như nhịp tim nhanh, vã mồ hôi nhiều và run,…
Thế nhưng, các nghiên cứu cũng như xét nghiệm cho thấy lượng Catecholamin có trong huyết thanh của bệnh nhân cường giáp không cao. Lý do có thể là cơ thể nhạy cảm với tác động của Catecholamin do hormone tuyến giáp làm tăng các Receptor Catecholamine tại tim.
>>> Bạn có thể quan tâm: Táo bón là gì? Phác đồ điều trị và những điều cần biết
Các triệu chứng thường xuất hiện ở người bệnh Basedow
Nếu cơ thể của bạn xuất hiện các triệu chứng như dưới đây thì nên thăm khám bác sĩ ngay để có cách chữa trị kịp thời đối với bệnh Basedow:
- Người luôn trong trạng thái cáu kỉnh và lo lắng;
- Bàn tay hoặc đầu ngón tay run rẩy;
- Cơ thể khó chịu với nhiệt độ cao;
- Vã mồ hôi nhiều, da ấm và ẩm;
- Giảm cân cho dù vẫn ăn uống điều độ;
- Tuyến giáp phình to, bướu cổ xuất hiện;
- Có sự thay đổi trong kỳ kinh nguyệt;
- Giảm ham muốn hay rối loạn cương dương ở nam giới;
- Nhịp tim không đều hoặc nhanh;
- Đi tiểu nhiều lần;
- Tăng nhu động ruột.
Bên cạnh những triệu chứng ở trên, bệnh nhân còn mắc thêm một vài triệu chứng liên quan đến mắt và da như là:
Liên quan về mắt
Theo như thống kê từ Bộ Y tế, có khoảng 30% bệnh nhân mắc Basedow có triệu chứng liên quan đến mắt. Vấn đề này bắt nguồn từ việc các cơ bắp cũng như các mô xung quanh mắt bị viêm cũng như gặp nhiều phản ứng của hệ miễn dịch khác. Triệu chứng tiêu biểu như là:
- Nhìn đôi;
- Thị lực bị mất;
- Mắt bị viêm hay đỏ;
- Đau hoặc có áp lực ở phần mắt;
- Nhạy cảm với ánh sáng cường độ lớn;
- Phần mí mắt bị co lại hoặc sưng lên.
- Lồi mắt.
Liên quan đến da
Những triệu chứng về da liễu thường rất ít phổ biến ở bệnh nhân mắc bệnh Basedow. Bệnh lý này thường tác động đến cẳng chân hoặc mu bàn chân khiến da đỏ và dày lên rất nhiều so với người bình thường.
Cách điều trị bệnh bướu cổ Basedow (Bệnh bướu cổ Parado)
Mục tiêu chính của cách chữa trị bệnh bướu cổ Basedow (Parado) là giúp ức chế việc sản sinh hormone tuyến giáp cũng như ngăn chặn các ảnh hưởng của hormone lên cơ thể người bệnh. Dưới đây là tổng hợp các cách điều trị hiệu quả đã được chứng minh:
Thuốc kháng giáp
Đây là phương pháp điều trị bệnh Basedow phổ biến nhất hiện nay. Một vài loại thuốc phổ biến thường được bác sĩ sử dụng để kê cho bệnh nhân như: Carbimazole, Methimazole hay Propylthiouracil.
Nhiệm vụ chính của thuốc kháng giáp là làm suy giảm mức độ sản sinh ra quá nhiều hormone của tuyến giáp thông qua việc ngăn chặn các quá trình oxy hóa Iod trong cơ quan nội tiết.
Thuốc chẹn Beta
Người mắc bệnh Basedow sẽ trở nên nhạy cảm hơn đối với thành phần Adrenaline nên thường xuất hiện các triệu chứng run rẩy, nhịp tim tăng, lo lắng và đổ mồ hôi nhiều. Cơ chế hoạt động của thuốc chẹn Beta là ngăn cản tác dụng của Adrenalin và những hợp chất tương tự.
Ngoài ra, thuốc chẹn Beta còn có thể giúp người bệnh giảm các triệu chứng khó chịu như tiêu chảy, yếu cơ hay nhạy cảm với nhiệt độ cao. Những loại thuốc đối kháng Beta được sử dụng trong bệnh Basedow: Atenolol, Nadolol, Metoprolol và Propranolol.
>>> Xem thêm: Bệnh suy giáp là gì? Triệu chứng và cách điều trị suy giáp hiệu quả
Sử dụng liệu pháp Iod phóng xạ
Người bệnh khi sử dụng liệu pháp này sẽ phải uống một lượng Iod phóng xạ thông qua miệng. Iod là chất giúp tuyến giáp sản sinh ra hormone, vì vậy năng lượng phóng xạ được đưa vào cơ thể sẽ có nhiệm vụ phá hủy các tế bào tuyến giáp hoạt động quá mức. Theo thời gian, tuyến giáp sẽ co lại và giảm dần các triệu chứng trong từ vài tuần – tháng.
Tuy nhiên, liệu pháp phóng xạ Iod có thể gia tăng nguy cơ mắc những triệu chứng mới hoặc làm xấu thêm ở bệnh nhãn khoa do Basedow. Người bệnh đã mắc vấn đề liên quan đến mắt từ mức độ trung bình đến nặng không khuyến nghị sử dụng liệu pháp này.
Hơn nữa, phụ nữ đang mang thai hoặc đang cho con bú cũng không được chỉ định sử dụng liệu pháp. Các tác dụng phụ có thể xảy ra trên người bệnh là tăng hormone tuyến giáp tạm thời và đau ở cổ.
Phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp
Người bệnh còn có thể lựa chọn giải pháp cắt bỏ hoàn toàn hoặc một phần nhỏ của tuyến giáp để điều trị bệnh. Nếu lựa chọn phương án này, người bệnh phải chấp nhận bổ sung hormone tuyến giáp bằng thuốc suốt đời.
Tác dụng phụ của phương pháp này còn có thể ảnh hưởng đến dây thần kinh thanh âm cũng như các tuyến cận giáp. Để giải quyết vấn đề suy giáp thường gặp phải sau khi phẫu thuật, bác sĩ thường sử dụng Levothyroxine vì tính phổ biến và chi phí rẻ của nó.
Bên cạnh đó, người bệnh còn có thể tham khảo sử dụng những loại thuốc bổ sung hormone tuyến giáp khác:
- Một số loại thuốc tốt hơn được sử dụng nhiều ở Đức để điều trị suy giáp:
- Thybon, chỉ chứa một mình Liothyronine tổng hợp (T3);
- Novothyral, một viên nén chứa T3 và T4 tổng hợp;
- Thyreogland, đây là thuốc được điều chế từ tuyến giáp của loài lợn, chúng có chứa T4, T3, T2, T1 kèm theo Calcitonin tự nhiên.
- Trong khi đó, ở Mỹ lại sử dụng những loại thuốc như:
- Cytomel, thành phần giống với Thybon ở trên;
- NP Thyroid, WP Thyroid, Nature-Thyroid và Armor Thyroid là những thuốc được tạo nên từ tuyến giáp của lợn chúng cũng chứa các thành phần giống như Thyreogland.
Kết Luận
Bệnh Basedow tương đối phổ biến ở Việt Nam chúng ta, tất cả mọi lứa tuổi đều có khả năng mắc bệnh. Vì vậy, các bạn nên khám sức khỏe thường xuyên và xây dựng một lối sống lành mạnh. Đồng thời tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ cũng như kiểm tra nồng độ hormone thường xuyên nếu gặp phải tình trạng này.
Cách điều trị bệnh bướu cổ basedow cũng rất dễ tiếp cận và phổ biến với mọi người. Chi phí chữa bệnh không phải quá cao nên mọi người hãy chữa trị kịp thời để không phát sinh các biến chứng nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến sinh mạng.
>>> Đọc ngay: Hội chứng mệt mỏi – Nguyên nhân, Triệu chứng & Cách điều trị